Đối phó nguy cơ đe dọa công trình thủy lợi tại Vĩnh Phúc
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 441 hồ đập lớn, nhỏ với tổng dung tích hữu ích hơn 100 triệu m3 phục vụ sản xuất, sinh hoạt và tiêu úng; trong đó, nhiều hồ chứa nhỏ xuống cấp, dung tích chứa nước không bảo đảm nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn, dẫn đến tràn, vỡ hồ đập trong mùa mưa lũ, nhất là đối với các hồ, đập nhỏ có độ dốc lớn, tập trung dòng chảy nhanh tại các huyện Sông Lô, Lập Thạch và Tam Đảo rất lớn.
Nguy cơ hiện hữu
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc, tỉnh hiện có 55 hồ, đập chứa nước đang bị rò rỉ, nước thấm qua thân đập với mức độ nhẹ; 30 hồ, đập xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng; 13 thân cống hư hỏng. Chẳng hạn như hồ Lập Đinh (thành phố Phúc Yên) có dung tích trữ 2 triệu m3 nước, mái hạ lưu trồng cỏ bị sạt trượt, xuất hiện tổ mối, thân đập và vai đập bị thấm mạnh.
Đường vành đai quanh hồ và trong lòng hồ vẫn là nền đất, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ. Hạ lưu mái đập, mặt đập của hồ Vân Trục (huyện Lập Thạch) đã xuống cấp. Hồ này không được thiết kế có tràn sự cố, năng lực xả lũ của tràn chính không đáp ứng yêu cầu, đang có hiện tượng bồi lấp lòng hồ. Hồ Bản Long (huyện Bình Xuyên) bị hỏng hệ thống đóng mở tháp van phía thượng lưu và máy đóng mở hạ lưu, không vận hành được. Hồ Đồng Mỏ (huyện Tam Đảo) bị thấm nước khá nghiêm trọng…
Kiểm tra an toàn công trình thủy lợi hồ Đa Mang, xã Văn Quán, huyện Lập Thạch.
Bên cạnh các nguy cơ do cấu tạo địa chất, kiến trúc hạ tầng công trình thủy lợi, còn có những nguy cơ do xây dựng trái phép, lấn, chiếm đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ các hồ, đập. Nhiều trường hợp vi phạm được các công ty thủy lợi và người dân phát hiện, sau đó báo chính quyền địa phương xử lý.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thủy lợi Phúc Yên nêu khó khăn: Quản lý hồ, đập rất vất vả, nhất là tại xã Ngọc Thanh, nơi xảy ra nhiều trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ hồ. Một số trường hợp đã phải tổ chức cưỡng chế như hồ Trại Trâu, hồ Thanh Niên, hồ Lập Đinh tại Phúc Yên. Công ty mong muốn tỉnh chỉ đạo xác định, cắm mốc giới tất cả các hồ, đập làm căn cứ để lập biên bản khi có vi phạm.
Cưỡng chế công trình vi phạm hành lang bảo vệ hồ Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thủy lợi Tam Đảo chia sẻ sự vất vả trong công tác quản lý: Nhiệm vụ bảo vệ hồ có lúc vượt quá tầm của công ty. Nhân viên Công ty không dám ngăn cản những đối tượng vi phạm.
Thời gian gần đây, một số người dân đổ cột bê tông, xây dựng nhà kiên cố sát mép nước hồ Bản Long (xã Minh Quang, huyện Tam Đảo). Công ty đã phối hợp chính quyền địa phương đo đạc, xác định gianh giới bảo vệ và ngăn cản một số hộ cố tình xây dựng trái phép.
Hiện nay quanh hồ Bản Long còn nhiều cột bê tông cốt thép mà người dân dựng lên với ý đồ xây dựng nhà, một số thửa đất được phân lô để bán nền. Hồ Làng Hà (xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo) có cảnh quan rất đẹp nhưng hành lang bảo vệ hồ thường xuyên bị các đối tượng đe dọa lấn chiếm. Nhân viên Công ty thủy lợi đã đào hào, căng dây thép gai để chắn đường vào hồ nhưng có những đối tượng vẫn tự ý xâm nhập, xây dựng kho bãi trong khu đất đó.
Giải pháp lâu dài
Trao đổi về các giải pháp bảo vệ hồ, đập, ông Nguyễn Đại Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Những năm gần đây tỉnh triển khai nhiều dự án lớn liên quan thủy lợi, bảo đảm an ninh nguồn nước. Định kỳ, Chi cục thủy lợi tổ chức rà soát hiện trạng các đê, đập, kè, cống, hồ, lập kế hoạch xử lý ngay những điểm suy yếu.
Chi cục cũng phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy lợi và các địa phương để xử lý những vi phạm. Hiện nay chưa có công trình vi phạm nào ảnh hưởng đến an toàn của các hồ, đập.
Đồng thời, Vĩnh Phúc cũng tăng cường đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đang triển khai 8 dự án với tổng mức đầu tư 779,5 tỷ đồng nhằm cải tạo, bảo đảm an toàn các hồ, đập.
Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh đang triển khai hai dự án lớn liên quan bảo đảm an ninh nguồn nước. Trong đó, Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc có tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng nhằm mục tiêu ngăn ngừa tình trạng ngập lụt trên địa bàn 7 huyện, thành phố.
Dự án “Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Dự án thành phần tỉnh Vĩnh Phúc” có tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng thực hiện nạo vét và bảo tồn cảnh quan hồ Đầm Vạc, hoàn thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thành phố Vĩnh Yên giai đoạn II.
Từ các dự án trên, nhiều trạm bơm công suất lớn để tiêu thoát nước, chống ngập lụt sẽ được xây dựng, hệ thống cảnh báo lũ sớm sẽ được thiết lập. Đầm Vạc tại trung tâm thành phố Vĩnh Yên sẽ được xử lý nước, xây dựng đường đi bộ quanh hồ để chống lấn chiếm và tạo cảnh quan. Hồ Sáu Vó tại huyện Yên Lạc sẽ được xây dựng thành hồ điều hòa với tổng diện tích gần 1.000 ha ...
Về công tác xử lý vi phạm liên quan đến hồ, đập, lực lượng bảo vệ hồ của 4 công ty thủy lợi trên địa bàn tỉnh mỏng, thiếu thẩm quyền, phương tiện ngăn chặn hành vi vi phạm. Các công trình mọc lên trái phép mất rất nhiều thời gian để xử lý. Đến nay toàn tỉnh chỉ có hồ Thanh Lanh (huyện Bình Xuyên) được đo mốc giới. Các công ty thủy lợi kiến nghị cần đo mốc giới tất cả các hồ, xây kè, làm đường chung quanh để bảo vệ hồ. Chính quyền cấp xã phải quyết liệt hơn trong việc xử lý những trường hợp vi phạm.
Để bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ và để ngăn ngừa vi phạm, tỉnh Vĩnh Phúc cần sớm thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đối với các hồ chứa lớn. Các ngành, địa phương liên quan cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu các vi phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Để xây dựng Vĩnh Phúc thành đô thị xanh, thân thiện môi trường thì tỉnh cần phát huy giá trị của các hồ, đập không chỉ trong lĩnh vực thủy lợi mà còn trong quy hoạch xây dựng các khu đô thị, khu du lịch.